Mách bạn một số mẹo nho nhỏ khi bạn làm bánh bông lan

Mình thích làm bánh bông lan với những thành phần căn bản là trứng, đường và bột mì, vì những nguyên liệu này luôn dễ dàng để mua, và để làm ra một chiếc bánh bông lan cũng khá đơn giản, không mất quá nhiều thời gian, cùng công sức.

Trong loạt bài giới thiệu về bánh bông lan căn bản, hôm nay mình sẽ giới thiệu với các bạn một số mẹo nhỏ, nhưng khá là quan trọng để tạo ra một chiếc bánh bông lan có bột nở xốp mịn, thơm ngon, và thật đẹp.

Khi bạn đã thành công với bánh bông lan căn bản thì bạn có thể làm tất cả các loại bánh có cùng phương pháp căn bản như bánh bông lan, bạn có thể làm bánh bông lan phủ kem, bánh bông lan cuộn, bánh bông lan bơ, bánh bông lan trà xanh … Nên những mẹo nhỏ mình giới thiệu với các bạn sẽ luôn là cần thiết cho những người yêu thích việc làm bánh từ trứng, bột mì và đường.

Mẹo thứ 1. Cân đong tất cả các nguyên liệu TRƯỚC KHI bạn bắt đầu.

Đập trứng là một trong những bước quan trọng nhất để bắt đầu và có được món bánh bông lan bông. Điều này là do sau đó bạn sẽ đánh trứng và đưa không khí vào trứng để chúng có thể nhấc bột lên khi nướng. Vì vậy, nếu bạn không muốn những quả trứng đã đánh của mình bị xẹp xuống trong khi bạn đang vội vã tìm kiếm đồ dùng, và đo lường các thành phần nguyên liệu còn lại, mình khuyên các bạn hãy chuẩn bị và cân đong mọi thứ thật cẩn thận trước đó. Tin mình đi, bột của bạn sẽ quyện lại với nhau tốt hơn nhiều và bạn sẽ bớt căng thẳng hơn khi bắt đầu đánh trứng, và trong quá trình làm bánh. Thật thoải mái thì bánh của bạn mới có thể thành công, thật bông, và ngon.

Mẹo thứ 2. Trứng sử dụng làm bánh luôn ở nhiệt độ phòng.

Trứng là thành phần làm cho bánh bông lan xốp và nhẹ, vì vậy các bạn cần sử dụng những quả trứng tốt nhất mà bạn có thể tìm thấy, và để chúng ở nhiệt độ phòng trước khi làm bánh. Trứng ở nhiệt độ phòng sẽ dễ đánh bông, và sẽ tốn ít thời gian để đánh hơn. Trứng lấy ra khỏi tủ lạnh cần để ở nhiệt độ phòng ít nhất 2 giờ trước khi làm bánh – đây là kinh nghiệm của mình, hoặc làm ấm lại trứng bằng cách đặt trứng trong tô nước ấm.

Mẹo thứ 3. Đánh bông lòng đỏ và lòng trắng trứng riêng biệt.

Có nhiều cách khác nhau để tạo ra bột bánh bông lan bông. Bạn có thể đánh toàn bộ trứng hoặc có thể đánh riêng lòng đỏ và lòng trắng. Mình dường như luôn nhận được kết quả tốt hơn khi đánh riêng từng phần trứng, vì vậy đây là lý do tại sao mình khuyên bạn nên làm điều đó. Đánh toàn bộ quả trứng, bạn sẽ cần phải mất nhiều thời gian hơn. Và đây là một mẹo nhỏ đánh trứng, hãy bắt đầu với lòng trắng trứng, sau đó bạn có thể tiếp tục đánh lòng đỏ trứng mà không cần rửa bất cứ thứ gì.

Mẹo thứ 4. Đảm bảo đánh lòng trắng trứng không lẫn chất béo và không có lòng đỏ.

Bạn cần hoàn toàn chắc chắn rằng âu (thố, tô) đựng lòng trắng và máy đánh trứng của bạn hoàn toàn không có chất béo trước khi bắt đầu đánh lòng trắng trứng. Nếu có một chút lòng trắng trứng trong lòng đỏ trứng của bạn thì không có vấn đề gì, nhưng nếu bạn có lòng đỏ trứng trong lòng trắng trứng, nó có thể không cứng.

Mẹo thứ 5. Không đánh lòng trắng trứng quá lâu.

Để giúp ổn định lòng trắng trứng, mình khuyên các bạn nên cho một chút muối, hoặc một muỗng cà phê giấm, hoặc một muỗng cà phê nước cốt chanh. Mình thường thêm muối khi lòng trắng trứng sủi bọt, thường xảy ra sau 1 phút hoặc lâu hơn một chút. Thời gian đầu, mình nghĩ rằng mình phải đánh lòng trắng trứng cho đến khi hình thành đỉnh cứng, nhưng sau này mình đã biết rằng chỉ cần một chút trên đỉnh mềm là được, bạn chỉ cần đánh lòng trắng cho đến khi hình thành đỉnh mềm <hình minh họa>

Mẹo thứ 6. Đánh lòng đỏ trứng cho đến khi nó có màu sáng hơn và đặc hơn.

Nếu bạn đang sử dụng lòng đỏ trứng ở nhiệt độ phòng, sẽ mất khoảng hai phút để lòng đỏ trứng của bạn chuyển sang gần như màu lòng trắng và đặc hơn nhiều. Chỉ cần thế là bánh của bạn đã đạt yêu cầu, không cần đánh lòng đỏ trứng quá lâu.

Mẹo thứ 7. Rây bột vào trứng đã đánh bông.

Trứng là nguyên liệu làm cho bột xốp nhẹ và bông xốp do tạo ra những túi khí nhỏ trong quá trình đánh trứng. Nếu bạn đổ bột, và khuấy bột, bạn sẽ làm xẹp tất cả những túi không khí mà bạn đưa vào trứng, thay vào đó bạn sẽ có những túi bột ở khắp mọi nơi. Kết quả là bánh của bạn sẽ thất bại. Nên để tránh thất bại, việc rây bột vào trứng đã đánh bông là rất quan trọng, để nó dễ dàng trộn đều với trứng đã đánh bông. Và bạn nên rây bột thành vài đợt cho đến khi tất cả bột được cho vào trứng.

Mẹo thứ 8. Không khuấy bột mà dùng kỹ thuật fold (cắt, gấp, xoay)

Hãy nhớ rằng bạn không muốn làm xẹp trứng đã đánh bông của mình. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng kỹ thuật fold, kỹ thuật này gồm ba bước, lặp đi, lặp lại cho đến khi các thành phần hòa lẫn vào nhau. Kỹ thuật “fold” bao gồm các động tác gồm: cắt – gấp – xoay.

Cụ thể:

  • Cắt: là thao tác dùng phới lồng dẹt (spatula) cắt ngay giữa hỗn hợp, phới được kéo chạm đáy của cái âu (thố, tô) dùng để đánh trứng.
  • Gấp: là thao tác gập phới lồng một vòng để hỗn hợp phía dưới được mang theo phới lên phía trên.
  • Xoay: là thao tác giữ chặt phới lồng, xoay một vòng tròn quanh âu và trở về điểm giữa lúc đầu đã cắt.
  • Tiếp tục xoay nhẹ âu và bắt đầu lại các bước trên cho đến khi hỗn hợp trộn lẫn đều với nhau thì dừng lại. Các bạn có thể xem video giới thiệu về kỹ thuật này trong kênh youtube Góc Nhỏ Sài Gòn

Mẹo thứ 9. Không nướng bánh quá lâu, nếu không bánh sẽ bị khô.

Muốn kiểm tra bánh bông lan của bạn đã chín chưa, bạn hãy dùng tay ấn nhẹ vào bánh bông lan, nếu bánh đàn hồi trở lại là đã chín. Một số bạn thì dùng que tre nhỏ để đâm vào bánh bông lan, và kiểm tra bột dính trên que tre. Nhưng các bạn không mở cửa lò quá sớm nhé, tuyệt đối không mở cửa lò trước khi hết 20 phút vì bánh có thể bị xẹp.

Nếu bạn đang làm bánh cuộn, mình khuyên bạn nên kiểm tra sau 9 phút, bông lan cuộn có màu nâu rất nhanh, mình luôn ngồi bên cạnh lò để canh chừng. Hi hi.

Bánh bông lan có xu hướng có màu khá nhạt, nướng ít thời gian chắc chắn sẽ tốt hơn là để quá lâu. Đối với bánh cuộn, mình khuyên bạn nên nướng từ 9 đến 10 phút; Đối với bánh bông lan một lớp khoảng 20 phút; Bánh bông lan chia thành nhiều lớp, không quá 25-30 phút.

Mẹo thứ 10. Cắt các lớp bánh sau khi bánh nguội hoàn toàn

Khi mới học làm bánh, mình thường cố gắng cắt các lớp bánh khi chiếc bánh bông lan vẫn còn ấm, đây là một ý ​​rất tệ, các bạn hãy tin mình đi. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và đợi cho đến khi bánh nguội hoàn toàn. Mình cũng nhận thấy rằng sẽ tạo ra nhiều vụn bánh hơn nếu bạn cắt bánh ngay trong ngày nướng bánh và ít hơn vào ngày hôm sau. Bánh để qua một ngày cũng không ảnh hưởng đến hương vị quá nhiều, nhưng để dễ cắt và tạo hình, mình khuyên các bạn nên làm các lớp bánh vào ngày hôm sau. Và nhớ gói chặt trong màng bọc thực phẩm và giữ ở nhiệt độ phòng để bánh không bị khô.

Mẹo thứ 11. Gói kỹ bánh trong màng bọc thực phẩm, và bảo quản ở nhiệt độ phòng

Bạn đã nướng bánh vào ngày hôm trước, và chỉ muốn làm lạnh nó vào ngày hôm sau, khi đã trét kem và bắt bông? Không có vấn đề gì lớn như mình đã nói ở trên, hãy nhớ bọc kỹ bánh bông lan trong màng bọc thực phẩm và giữ ở nhiệt độ phòng, tránh cho bánh bị khô.

Mẹo thứ 12. Cuộn bánh bông lan cuộn bằng một cái khăn ẩm, ngay khi bánh còn nóng.

Đối với bánh bông lan cuộn, làm ẩm một chiếc khăn và đặt miếng bánh bông lan của bạn đã nướng lên đó và cuộn lại bằng khăn ẩm bên trong. Nếu không làm trong lúc bánh bông lan của bạn còn nóng, rất có thể bánh cuộn của bạn sẽ bị nứt.

Mẹo thứ 13. Chuẩn bị lò nướng, và làm nóng lò nướng đủ nhiệt.

Trước khi bạn cho bột bánh đã chuẩn bị vào khuôn nướng bánh, thì bạn phải đảm bảo rằng lò nướng đã đủ nhiệt, và có thể cho bánh vào nướng ngay lập tức.

Mình khuyên các bạn nên mở lò nướng (gas, điện), và chỉnh nhiệt độ từ khi các bạn bắt đầu chuẩn bị làm bánh, như thế lò nướng của bạn luôn đủ nhiệt và sẵn sàng để nướng bánh ngay lập tức.

 

 

Một bình luận

Trả lời

Xem thêm các bài khác