Tìm hiểu nhanh về tật khúc xạ Cận thị của mắt

Cận thị là một tật khúc xạ của mắt.

Khi nguồn sáng từ một vật ở vô cực (trên 5 mét) đến mắt, ảnh của vật đó sẽ được giác mạc và thủy tinh thể hội tụ lên võng mạc. Võng mạc nhận cảm và đưa các chi tiết này lên não theo dây thần kinh thị giác để giúp con người nhận biết hình ảnh. Để hình ảnh hội tụ chính xác và rõ nét lên võng mạc thì công suất hội tụ của giác mạc và thủy tinh thể phải phù hợp với khoảng cách từ giác mạc tới võng mạc hay còn gọi là chiều dài trục nhãn cầu. Lúc này hệ quang học của mắt được xem như hoàn hảo, còn gọi là mắt chính thị.

Nếu ảnh của vật không hội tụ đúng ngay trên võng mạc thì võng mạc sẽ nhận cảm một hình ảnh mờ, không rõ nét. Gọi là mắt không chính thị hay là mắt có tật khúc xạ. Tật khúc xạ thường được phân thành cận thị, viễn thị và loạn thị. Các tật khúc xạ có thể xảy ra riêng biệt hoặc phối hợp với nhau như cận thị với loạn thị, hoặc viễn thị với loạn thị.

 

1.Cận thị là gì?

Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt làm cho mắt chỉ nhìn được vật ở gần và khó khăn trong việc nhìn các chi tiết hình ảnh ở xa. Cận thị xảy ra do một người có trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc do cấu trúc giác mạc quá cong, tức là công suất khúc xạ của giác mạc sẽ cao hơn bình thường làm cho ảnh của vật ở xa luôn hội tụ trước võng mạc.

Mức độ nặng nhẹ của cận thị được tính theo đơn vị đo lường công suất quang đi-ốp (Diopter):

Cận thị nhẹ  < – 3,0D;

Cận thị  trung bình – 3,0D đến  – 6,0D;

Cận thị nặng  > – 6,0D.

Cận thị thường xảy ra ở độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi. Trong những năm thiếu niên, khi cơ thể phát triển nhanh chóng, độ cận thị có thể trở nên nặng hơn. Trong độ tuổi 20 và 40, độ cận thị thường ít thay đổi. Cận thị cũng có thể xảy ra ở khi người đã lớn. Tại Việt nam, thống kê của Viện Mắt Trung Ương (khu vực phía Bắc) tỷ lệ tật cận thị khoảng 48,10%, tại Bệnh viện Mắt Điện Biên Phủ (khu vực phía Nam) khoảng 39,35. Đặc biệt, tỷ lệ tật cận thị tăng theo cấp học, ở bậc tiểu học khoảng 18%, trung học cơ sở là 25%, trung học phổ thông là 50% (Bệnh viện Mắt Hà Nội thống kê). Tại khu vực phía Nam, tỷ lệ cận thị ở tiểu học là 29,86%, trung học cơ sở là 46,11% (Bệnh viện Mắt Điện Biên Phủ thống kê). Tỷ lệ cận thị tại các nước Đông Nam Châu Á là 50%, và tỷ lệ tật cận thị trong các trường cao đẳng và đại học là 90%. Mắt bị cận thị cao sẽ có nguy cơ xảy ra các biến chứng ở tuổi trung niên, gây giảm hoặc mất thị lực vĩnh viễn, như bong võng mạc, thoái hóa võng mạc, thoái hóa hoàng điểm… Vì vậy, việc giữ gìn đôi mắt hoặc kiểm soát độ cận là rất quan trọng, đặc biệt là đối với lứa tuổi học đường.

2. Những nguyên nhân gây ra cận thị

Những người bị cận thị là do công suất giác mạc cao quá, nhưng thường hơn là do trục nhãn cầu phát triển quá dài, điều này gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau. Đối với nhiều người, cận thị dường như là một bệnh di truyền. Nói cách khác, nếu có cha mẹ bị cận thị, thì tỷ lệ mắc cận thị của con cái họ cũng cao hơn. Đối với những người khác, nguyên nhân gây ra cận thị là do thành củng mạc (lớp vỏ nhãn cầu) đàn hồi kém; cơ địa mắt to hơn bình thường hoặc cơ điều tiết của mắt phát triển kém. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng xem xét và đưa ra giả thuyết về các tác động của giới tính, độ tuổi, dân tộc và tiếp xúc với môi trường – như ánh sáng mặt trời và lượng thời gian dành cho công việc đối với việc bị cận thị. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã có những nghiên cứu về ảnh hưởng của nhịp sinh học (đôi khi được gọi là đồng hồ sinh học) – quy định các hệ thống trong cơ thể theo chu kỳ hàng ngày của ánh sáng và bóng tối, là một yếu tố liên quan đến sự phát triển của cận thị. Sử dụng máy tính, điện thoại, các thiết bị điện tử quá nhiều hoặc học tập, làm việc ở nơi thiếu ánh sáng và sai tư thế cũng khiến mắt phải điều tiết liên tục hoặc mắt không được nghỉ ngơi thích hợp cũng là những nguyên nhân dẫn đến cận thị.

3. Những triệu chứng của cận thị

Người bị cận thị sẽ gặp khó khăn khi nhìn thấy những vật ở xa, chỉ có thể nhìn rõ những vật trong khoảng cách gần. Một điểm dễ nhận thấy là người cận thị hay nhìn rất gần như dí mắt vào vật đang xem. Trẻ em cận thị, có thể bị trở ngại trong học tập do nhìn không rõ nét của chữ hoặc số trên bảng, ghi chép bài thiếu chính xác dẫn đến học lực giảm sút.

Đôi khi người cận thị sẽ bị đau đầu và mỏi mắt khi phải liên tục nheo mắt, căng mắt để cố nhìn thấy vật ở xa mà không có các biện pháp hỗ trợ thị lực.

4. Chẩn đoán cận thị

Nếu có nghi ngờ bản thân mắc cận thị, hãy tới gặp bác sĩ Nhãn khoa để có một buổi kiểm tra mắt toàn diện, mà thường bắt đầu bằng kiểm tra thị lực, đo nhãn áp. Sau đó là đo độ kính. Khám bằng đèn khe, soi bóng đồng tử, nhỏ thuốc liệt điều tiết, siêu âm và soi hay chụp hình đáy mắt đôi khi cũng cần thiết. Bệnh nhân sẽ nhìn tốt hơn với độ kính phân kỳ (bù trừ bớt cho lực hội tụ mạnh hơn trong quang hệ mắt của người cận thị). Thông thường cận thị nhẹ và trung bình sẽ ít có tổn thương ở đáy mắt kèm theo hơn là cận thị nặng (trên – 6D).

5. Cách điều trị

Người bị cận thị có thể lựa chọn kính gọng, kính áp tròng để có thị lực tốt hơn. Người bị cận thị cần có định kỳ kiểm tra mắt để thay đổi kính cận theo toa của bác sĩ (theo đơn kính) nhằm duy trì thị lực rõ. Hiện nay, kính áp tròng cứng, được thiết kế đặc biệt đeo vào ban đêm để điều chỉnh hình dạng giác mạc khi ngủ (Ortho K) cũng là một phương pháp giúp người cận thị cải thiện thị lực. Bên cạnh đó, vật lí trị liệu và xoa bóp bấm huyệt cũng được nhiều người tìm đến để tăng cường thị lực.

Về điều trị bằng phẫu thuật thì các phương pháp mổ Laser Excimer là phổ biến hơn cả, như mổ PRK, Lasek, Lasik, FemtoLasik, SMILE, Smartsurf… Mỗi phương pháp có ưu – nhược điểm cũng như chi phí khác nhau. Tùy tình trạng mắt cũng như điều kiện cá nhân, mỗi người sẽ phù hợp với phương pháp khác nhau. Trước khi quyết định mổ mắt, bệnh nhân cần được thăm khám kỹ lưỡng và được sự tư vấn từ bác sĩ Nhãn khoa.

Một số thuốc như Vitamin E, Difrarel, nhằm phục hồi lại tổ chức củng mạc, thuốc giãn mạch với mục đích tăng cường máu nuôi dưỡng hắc mạc thường được dùng nhưng chưa có hiệu quả rõ ràng.

Việc khám định kỳ bên cạnh theo dõi tăng độ cận thị thì còn giúp phát hiện các biến chứng nhẹ như đục dịch kính, thoái hóa võng mạc, biến chứng nặng như bong võng mạc.

Trong khoảng một thập niên gần đây, do sự bùng nổ các thiết bị nghe nhìn cầm tay như điện thoại di động thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay người ta nhận thấy có sự gia tăng rõ rệt của tật cận thị ở mắt. Nguyên nhân được các chuyên gia nhãn khoa, tâm lý, giáo dục nhận định chung là do lứa tuổi tiếp cận với các thiết bị nghe nhìn rất sớm ở các bé, thời gian sử dụng tăng lên theo lứa tuổi, ngoài mục đích giải trí ngày nay các em nhỏ còn sử dụng thường xuyên các thiết bị nghe nhìn cầm tay trong việc học. Đối với người lớn thì thời gian sử dụng cũng tăng lên, và thiết bị nghe nhìn cầm tay không chỉ phổ biến ở các thành phố thành thị mà nó còn có mặt và rất phổ biến ở các khu vực nông thôn. Giữ gìn đôi mắt sáng, và tăng cường sức khỏe thị giác là một trong những yêu cầu không những của mỗi cá nhân mà nó còn là một chiến lược về sức khỏe của các nước nhằm kéo giảm các chi phí khám chữa bệnh về sau.

Góc Nhỏ Sài Gòn – Tổng hợp từ Internet.

 

Trả lời

Xem thêm các bài khác