Khám phá đảo Nam New Zealand – Cầu treo Clifden.

Những năm đầu tiên khi gia đình mình mới sang New Zealand, mỗi lần cả gia đình vi vu đi du lịch, mình đều có cảm giác hoang mang và có phần thất vọng với các địa điểm du lịch ở đây vì những cái “nhất”, ví dụ như ngọn thác cao nhất, ngọn hải đăng cổ nhất đều không hoành tráng một xíu nào, thậm chí không bằng một góc các địa điểm du lịch ở Việt Nam. Dần dần mình mới hiểu ra rằng du lịch New Zealand được định hướng phát triển theo kiểu hoang dã, tự nhiên với ít sự can thiệp từ bàn tay con người nhất có thể. Giờ đây gia đình mình đã thực sự biết tận hưởng niềm vui từ những chuyến road trip rong ruổi nhiều ngày, đã thôi không còn thấy bất tiện khi cắm trại ngủ lều và dùng chung bếp, chung phòng tắm với nhiều người khác, cũng không còn mong ngóng nhanh chóng đến nơi bởi tụi mình đều hiểu niềm vui đến từ cả cuộc hành trình, còn đích đến thì đâu đâu trên đất nước New Zealand này cũng tương tự như nhau, cũng một màu xanh bạt ngàn của cây cỏ, của thiên nhiên được gìn giữ nguyên vẹn như vốn có.

Lần này tụi mình dành trọn cả ngày cuối tuần để đi dã ngoại gần cây cầu treo Clifden nằm ở quốc lộ SH99, cách Tuatapere 16km về hướng Bắc và cách thành phố Invercargill gần 80km về hướng Tây Bắc. Mình rất rất thích nơi này. Phải nói đây là một địa điểm cắm trại, dã ngoại quá lý tưởng. Có nhà vệ sinh, có bãi cỏ bằng phẳng, có bàn ghế gỗ ngoài trời, có một chiếc xích đu treo trên một cây cổ thụ nằm cạnh bờ sông thoai thoải, nước trong vắt. Mình có cảm giác như được trở về tuổi thơ và có thể ở đây cả ngày không biết chán. Mình thấy có một số người mang cần câu ra đứng câu cá, còn nhà mình thì thu hoạch được cơ man nào là rau salad soong mọc tươi tốt dọc hai ven bờ. Đứng từ dưới sông nhìn lên phía cây cầu giữa một ngày trời nắng trong xanh, mình muốn lưu giữ hình ảnh này càng lâu càng tốt.

Cây cầu treo Clifden lịch sử này là một điểm nối giao thông huyết mạch quan trọng ở một vùng khá xa xôi ở Southland; mở ra khu vực bờ Đông sông Waiau. Cây cầu được xây năm 1898 để thay thế cho một loại xuồng chèo hoạt động từ những ngày đầu cư dân đến đây sinh sống. Thời đó sông Waiau chảy xiết và rất nguy hiểm, nhưng từ khi thủy điện được phát triển trên hồ Manapouri thì dòng chảy đã được kìm hãm bớt. Cây cầu, dài 111.5m, một làn đường, ban đầu chỉ để dành cho ngựa và xe ngựa, sau đó mới được dùng cho xe cộ. Cây cầu này hoạt động cho đến năm 1978, là thời điểm một cây cầu mới dài 130m được xây để phục vụ cho giao thông ra vào dự án điện Manapouri. Từ đó cầu treo Clifden chỉ dành cho người đi bộ.

Cầu Clifden là một ví dụ điển hình cho loại cầu treo với thiết kế và sử dụng công nghệ đóng cầu gỗ tiêu chuẩn cao. Mặc dù so với quốc tế thì quy mô của cầu Clifden còn rất khiêm tốn nhưng nó là cây cầu treo dài nhất New Zealand. Điểm đặc biệt của cây cầu này là nó được thiết kế sau khi kỹ thuật xây cầu treo bằng cốt thép sợi kéo được phát triển và ở đầu cầu phía Đông có gắn một tấm bảng tưởng niệm những cư dân địa phương đã hy sinh trong Thế chiến lần thứ nhất.

Tuy không phải là một địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng Clifden rất xứng đáng để bạn một lần đến thăm. Nếu bạn đến nơi này vào mùa Hè như mình, để có một ngày vui chơi trọn vẹn, bạn có thể ghé trang trại blueberry Country ở Otautau, chỉ cách đó chưa đến 30 phút lái xe. Gia đình mình chắc chắn sẽ quay lại nơi này để ngắm nhìn vẻ đẹp của cây cầu Clifden trong sắc vàng rực rỡ của mùa thu.

Tác giả: Hồ Huyền Tôn Nữ Mai Chi

Trả lời

Xem thêm các bài khác