Đến thăm lâu đài Fontainebleau, một di sản được nhiều triều vua nước Pháp thay phiên nhau gìn giữ, tu bổ, trong suốt tám thế kỷ. Và lâu đài Fontainebleau cũng là một địa điểm có dính dáng đến lịch sử của Việt Nam chúng ta.
Cách đây bốn năm, Uyên Vân và gia đình đã có dịp đến thăm một thành phố xinh đẹp, có tên là thành phố Fontainebleau, cách thủ đô Paris của nước Pháp khoảng 60 cây số về phía Nam. Và cứ như vậy mà Uyên Vân đã có dịp đến thăm một tòa lâu đài lừng lẫy tên tuổi ở đây, đó là lâu đài Fontainebleau.
Sơ lược về lâu đài Fontainebleau
Lâu đài Fontainebleau là một lâu đài rất nổi tiếng trong lịch sử nước Pháp, vì nó đã được chọn làm tư gia, chính xác hơn là “dinh thự của hoàng gia Pháp”, cho rất nhiều triều đại vua của nước Pháp, từ thế kỷ thứ 13 (năm 1214), dưới triều đại Vua Saint Louis, cho đến thế kỷ thứ 19 là triều đại của Hoàng đế Napoléon Đệ Nhất). Tòa lâu đài nằm trên một khu rừng rộng đến 17.000 hecta, lúc ban đầu lâu đài này chỉ được coi như là khu săn bắn và nghỉ ngơi của các vị vua Pháp.
Lâu đài Fontainebleau được bắt đầu xây dựng từ năm 1137, khi ấy nó chỉ là một lâu đài nhỏ, và cũng là dinh thự riêng của vua Philippe Auguste (1165-1223) và của vua Louis IX (1214-1270).
Sau đó, 36 đời vua đã sinh sống và có người cũng đã làm việc tại chỗ, như Hoàng Đế Napoléon đệ I. Trong thời gian kéo dài 8 thế kỷ, lâu đài Fontainebleau được truyền lại từ đời vua này đến đời vua khác, và nó tiếp tục được bảo tồn, xây dựng và mở rộng thêm như các bạn nhìn thấy ngày nay, cho dù cũng có những giai đoạn trong lịch sử, lâu đài này đã không được chăm sóc bảo tồn kỹ lưỡng.
Vào năm 1268, vua Philippe Le Bel (1268-1314) là vị vua đầu tiên được sinh ra và cũng băng hà ở chính lâu đài này.
Nơi đây cũng đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của nước Pháp và của thế giới. Năm 1946, hội nghị Fontainebleau bàn về hòa bình cho Đông Dương, đã diễn ra cũng chính tại lâu đài này, giữa chính phủ Pháp và chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ (mới được thành lập năm 1945).
Vào năm 1981, lâu đài Fontainebleau đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), đưa vào danh sách các di sản văn hóa thế giới.
Cùng nhau khám phá lâu đài Fontainebleau
Bây giờ, Uyên Vân sẽ dẫn các bạn đi xem một số địa điểm chính của lâu đài này nhé, vừa đi vừa giới thiệu cho các bạn một vài điểm đáng chú trọng.
Như đã giới thiệu ở phần trên, lâu đài Fontainebleau đã được khởi công xây dựng vào năm 1137. Sau đó được nới rộng ra lần đầu tiên là dưới triều đại của vua Louis XIV.
Đến thời vua François Đệ Nhất (1494 – 1547) thì lâu đài được tu sửa lại theo kiến trúc Phục Hưng. Hầu như toàn bộ công trình trước kia của lâu đài đã bị phá đi, chỉ trừ các vọng lâu (donjon) trong sân Ovale là được giữ lại. Kiến trúc sư của công trình là ông Gilles Le Breton.
Về phía ngoài, biểu tượng chính của lâu đài lúc ấy là cầu thang hình móng ngựa (kiệt tác của ông Jean Androuet du Cerceau) được xây vào năm 1632, dưới triều vua Henri II, con trai của vua François I. Người phụ trách trang trí lâu đài, là một họa sĩ tài ba người Ý, có tên là Rosso Fiorentino.
Vua François I cũng đã sưu tầm rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của thời Phục Hưng và cũng cho chế tác nhiều tác phẩm khác, theo phong cách của Ý- giai đoạn Phục Hưng, để trưng bày và trang trí trong lâu đài. Vì vậy mà lâu đài Fontainebleau còn có tên khác là “Nouvelle Rome” (Tân Rome).
Biểu tượng và cũng là dấu ấn của vua François I, là chữ F hay con Kỳ Nhông, vẫn còn nguyên trong nhiều nơi của lâu đài, như trên những phần tháp, hay trên những vật dụng, bàn ghế trong lâu đài.
Công trình tu sửa và mở rộng của lâu đài Fontainebleau được hoàn tất dưới triều con trai của vua François I, vua Henri II (1519-1559) và đã trở thành biểu tượng của nền kiến trúc của khu vực Tây Âu, do sự phối hợp đặc trưng của kiến trúc Pháp và Ý. Những kiến trúc sư và họa sĩ đã tham gia trong việc xây dựng và trang trí là hai kiến trúc sư người Pháp, Philippe Delorme và Jean Bullant, cùng hai họa sĩ người Ý là Rosso Fiorentino và Primaticcio. Ý tưởng để tạo nên lâu đài này dựa trên hình dáng của một người con gái, có vẻ đẹp theo con mắt thẩm mỹ của thời Gothique: một cái đầu nhỏ xinh trên một cái cổ thon dài, thân hình mảnh khảnh, với chân tay thật dài, dài hơn mức bình thường và cuối cùng là một bộ ngực cao, thon nhỏ, tuợng trưng cho sự thanh tao thuần khiết.
Tượng vua Henri IV được khắc trên lò sưởi.
Dưới triều đại của vua Henri IV (1553 – 1610), lâu đài được xây rộng thêm ra, để có thể chứa thêm 1.000 người hầu, cùng phục vụ trong một lúc. Một cung điện mới, “Cour des Princes”, với hai màu sắc tượng trưng là màu trắng cho tường và màu đỏ cho những cánh cửa ra vào và cửa sổ.
Cũng dưới triều đại này, một sân chơi được xây dựng trong lâu đài, chủ yếu là để vua và những người trong Hoàng tộc chơi những môn thể thao dành cho giới quý tộc. Đức vua cũng cho nới dài con kênh phía sau khu vườn thượng uyển, chiều dài cuối cùng là 1,2 cây số, để nhà vua chèo thuyền hóng mát những ngày nóng nực. Nơi đây, sau này cũng có những hoạt động giải trí bằng du thuyền thường xuyên diễn ra cho những người trong Hoàng gia. Những cây thông, cây du, vườn cây ăn quả và những bồn hoa cũng được trồng và được chăm sóc bởi ông Claude Mollet.
Một rạp hát Hoàng gia lộng lẫy cũng đã được xây dựng trong lâu đài, dưới thời vua Louis XIV- vua Mặt Trời (1638-1715), vì nhà vua rất thích nghe kịch nhạc. Ông cũng cho nhà thiết kế chuyên viên về vườn, nổi tiếng nhất thời bấy giờ là André le Nôtre, thiết kế và sửa sang lại khu vườn xung quanh lâu đài.
Khu này vẫn được chăm sóc và bảo quản rất tốt cho đến ngày hôm nay.
Ba trăm năm sau đó, lâu đài không được xử dụng thường xuyên nên có nhiều chỗ bị hư hỏng.
Đến đời vua Louis XVI (1754 – 1793), vào thời kỳ Cách mạng Pháp (1789 – 1799) nổ ra, toàn bộ đồ đạc trong lâu đài bị cướp hay bị phá hỏng, lâu đài đã trở thành trại lính và nhà tù trong thời gian này.
Phải đến năm 1804, vị Hoàng Đế Napoléon Đệ Nhất (1769 – 1821) mới cho khôi phục lại lâu đài Fontainebleau, vì ông đã chọn nơi đây làm dinh thự riêng, cũng là biểu tượng cho quyền lực của ông và của giới quý tộc, thay thế cho lâu đài Versailles. Ông ra lệnh trùng tu lại lâu đài trong vòng 19 ngày, để có thể đón tiếp Đức Giáo Hoàng Pie VII, là thượng khách trong buổi lễ Đăng Cơ của mình.
Từ đó trở đi, Hoàng Đế Napoléon Đệ Nhất đã không ngừng cho tu sửa lại lâu đài, cho đến ngày ông phải ký giấy thoái vị (1814).
Trong suốt thời gian ở đây, ông cũng đã cho người đi tìm lại rất nhiều đồ đạc đã bị cướp đi trong cuộc Cách Mạng, bổ sung thêm vào đó những tác phẩm của những nghệ sĩ đương thời.
Nhiều nơi trong lâu đài như thư viện, phòng ngủ, phòng ngai vàng…mang dấu ấn đặc trưng của nhà vua (con ong biểu tượng của Hoàng gia, màu hoàng kim ở trên các vật dụng, hoa Pavot, màu xanh lá cây…)
Phòng ngủ của vua Napoléon I
Thư phòng, chỗ nhà vua vừa làm việc vừa nghỉ ngơi.
Phòng ngai vàng.
Ngày nay, những dấu vết của triều đại của Hoàng Đế Napoléon Đệ Nhất và của hai vị Hoàng hậu (Joséphine de Beauharnais và Marie-Louise d’Autriche) vợ của ông, còn nguyên vẹn trong phần lớn các nơi của lâu đài.
Thư phòng của Hoàng Hậu
Phòng ngủ của Hoàng Hậu
Nói đến Napoléon I, người ta phải liên tưởng đến lâu đài Fontainebleau, cũng giống như vua Louis XIV và lâu đài Versailles vậy.
Qua một số hình chụp được và được đăng kèm ở đây, Uyên Vân hy vọng các bạn sẽ ngưỡng mộ lâu đài Fontainebleau, khi nhìn thấy hình ảnh của một vài công trình tuyệt mỹ này nhé.
Nhưng điều tốt nhất vẫn là được đến tận nơi, được chiêm nghiệm tận mắt những gì Uyên Vân cố gắng miêu tả, qua hình ảnh và qua những tài liệu đã tìm được ở nhiều chỗ khác nhau.
Trước khi kết thúc bài viết của mình, Uyên Vân xin ghi ra đây một vài con số, qua đó, có thể các bạn hình dung được một phần nào mức to lớn của lâu đài Fontainebleau hay chăng?
Về phần công viên của lâu đài, có diện tích là 130 mẫu bao quanh khắp lâu đài, với 5.000 cây trồng song song thẳng tắp, gần 10 hồ nước với những hệ thống phun nước rất đẹp mắt, một cái hồ rất lớn với một con kênh dài 1,2 cây số (1606 – 1609) nằm cuối khu công viên.
Diện tích chính của lâu đài là 45.000 mét vuông, với 1.500 phòng, 5 sân chính (Honneur, des Mathurins, de la Fontaine, des Princes và Ovale). Tổng cộng là 24.000 mét vuông diện tích mái của lâu đài, 2.600 mét mặt tiền và 1785 công trình làm bằng gỗ được trạm trổ, sơn son thếp vàng hay được vẽ, được tô điểm với rất nhiều màu sắc thật linh hoạt.
Và đây là bộ sưu tầm đồ cổ của Tàu, rất quý của lâu đài, là một món quà dành cho du khách Á đông một sự ngạc nhiên rất thú vị.
Uyên Vân hy vọng rằng lâu đài Fontainebleau sẽ là một trong những địa điểm du lịch trong tương lai của các bạn.
Cám ơn sự chú ý của các bạn và mong rằng Uyên Vân sẽ có dịp giới thiệu với các bạn một vài địa điểm du lịch mới lạ khác trong kỳ tới.