Viễn thị là một tật khúc xạ ở mắt. Khi nguồn sáng từ một vật ở vô cực (trên 5 mét) đến mắt, ảnh của vật đó sẽ được giác mạc và thủy tinh thể hội tụ lên võng mạc. Võng mạc nhận cảm và đưa các chi tiết này lên não theo dây thần kinh thị giác để giúp con người nhận biết hình ảnh. Để hình ảnh hội tụ chính xác và rõ nét lên võng mạc thì công suất hội tụ của giác mạc và thủy tinh thể phải phù hợp với khoảng cách từ giác mạc tới võng mạc (chiều dài trục nhãn cầu). Lúc này hệ quang học của mắt được xem như hoàn hảo, còn gọi là mắt chính thị.
Nếu ảnh của vật không hội tụ đúng ngay trên võng mạc thì võng mạc sẽ nhận cảm một hình ảnh mờ, không rõ nét. Gọi là mắt không chính thị hay là mắt có tật khúc xạ. Tật khúc xạ thường được phân thành Cận thị, Viễn thị và Loạn thị. Chúng có thể xảy ra đơn thuần hoặc phối hợp với nhau (Cận – Loạn và Viễn – Loạn).
1.Viễn thị là gì?
Viễn thị là một tật khúc xạ ở mắt, khiến người bị viễn thị có thể nhìn rõ những vật ở xa nhưng lại không nhìn rõ những vật ở cự ly gần. Người bị viễn thị có giác mạc quá dẹt hoặc do trục nhãn cầu quá ngắn khiến cho hình ảnh (từ xa) luôn hội tụ sau võng mạc. Viễn thị đôi khi bị nhầm lẫn với Lão thị.
Viễn thị được chia làm 3 loại:
– Viễn thị nhẹ : dưới 2 diop
– Viễn thị trung bình : 3- 5 diop
– Viễn thị nặng : trên 5 diop
Viễn thị thường xảy ra với những người ở lứa tuổi trung niên, tuy nhiên, trẻ nhỏ cũng có thể mắc phải tật khúc xạ này. Viễn thị ở trẻ nhỏ có hai loại là viễn thị khúc xạ và viễn thị trục:
– Viễn thị khúc xạ xảy ra ở trường hợp vẫn có nhãn cầu bình thường nhưng lực khúc xạ của giác mạc và thủy tinh thể thấp.
– Viễn thị trục: xảy ra khi trục nhãn cầu quá ngắn, nhưng lực khúc xạ lại bình thường
Cũng có những trường hợp bị cả hai loại viễn thị trên. Tuy nhiên, viễn thị có thể được cải thiện khi trẻ phát triển, chiều dài trục nhãn cầu sẽ dài ra hoặc nếu tập luyện đều đặn cũng có thể tăng lực khúc xạ của thủy tinh thể.
2. Nguyên nhân gây ra viễn thị
Cấu trúc nhãn cầu ngắn hoặc giác mạc dẹt làm cho ảnh hội tụ phía sau võng mạc gây ra viễn thị. Viễn thị có thể là do bẩm sinh hoặc do di truyền – nếu bố mẹ bị viễn thị thì phần lớn con cái họ khi sinh ra cũng bị viễn thị. Ngoài ra, việc thường xuyên nhìn xa cũng khiến thủy tinh thể luôn phải giãn ra, lâu dần sẽ mất tính đàn hồi và mất dần khả năng phồng, gây ra viễn thị. Viễn thị nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhược thị hoặc lác mắt ở người trẻ và ảnh hưởng thị lực ở người già. Viễn thị trên những mắt có cấu trúc nhỏ thường có nguy cơ đi kèm bệnh tăng nhãn áp góc đóng.
3.Triệu chứng viễn thị
– Nhìn mờ ở cự ly gần hơn là xa, thường phải nheo mắt để nhìn vật ở khoảng cách gần. Những trường hợp viễn thị nhẹ thì mắt có thể điều tiết (tăng lực hội tụ của thủy tinh thể) để nhìn rõ.
– Thường cảm thấy mỏi mắt, bao gồm cả cay mắt, và đau trong hoặc xung quanh mắt.
– Mắt khó chịu hoặc đau đầu sau một khoảng thời gian khi mắt phải điều tiết để nhìn liên tục trong khoảng gần ví dụ như đọc, viết hoặc làm việc trên máy tính.
4. Chẩn đoán viễn thị
Có thể chẩn đoán viễn thị khi được qua kiểm tra mắt cơ bản.
Thông thường, một buổi thăm khám kiểm tra viễn thị sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi với bệnh nhân để bác sĩ nắm rõ các triệu chứng. Sau đó, bệnh nhân sẽ được đo thị lực, nhãn áp, đo khúc xạ, tự động và soi bóng đồng tử, nhỏ thuốc liệt điều tiết… những kiểm tra này sẽ giúp bác sĩ xác định toa kính một cách chính xác.
5. Điều trị tật viễn thị
Cũng như cận thị, cách đơn giản nhất để cải thiện thị lực cho người bị viễn thị là đeo kính gọng hoặc kính áp tròng khi phải làm việc nhất là ở cự ly gần. Kính hội tụ phù hợp sẽ bù trừ lực khúc xạ cho mắt viễn thị để đưa ảnh từ sau võng mạc lên đúng trên võng mạc để bệnh nhân nhìn rõ mà không phải điều tiết mắt. Bên cạnh đó, phẫu thuật khúc xạ bằng laser cũng là một phương pháp phổ biến cho các bệnh nhân trên 18 tuổi để điều chỉnh thị lực tốt hơn. Tuy nhiên, phẫu thuật khúc xạ cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như khả năng tái phát, nhìn thấy quầng sáng quanh đèn; biến chứng nhiễm trùng, khô mắt…cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa.
Viễn thị không thể được phòng ngừa hoàn toàn nhưng bảo vệ mắt đúng cách sẽ làm giảm tỷ lệ mắc phải tật khúc xạ này:
– Kiểm tra mắt thường xuyên
– Kiểm soát các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tăng nhãn áp, tiểu đường và huyết áp cao, có thể ảnh hưởng đến thị lực.
– Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh có nhiều trái cây và rau quả, bổ sung các chế phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ thiên nhiên.
– Sử dụng kính đúng theo toa thuốc.
– Làm việc trong điều kiện ánh sáng tốt.
Những buổi thăm khám mắt tại trường học thường không bao gồm viễn thị, tuy nhiên, Vì tỷ lệ mắc viễn thị ở trẻ em có xu hướng tăng cao, nên trẻ em cần được kiểm tra tầm nhìn thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, các em bé sơ sinh nên được sàng lọc các bệnh về mắt và tầm nhìn bởi bác sĩ nhi hoặc bác sĩ nhãn khoa, và nên cần có những buổi thăm khám định kỳ trong suốt thời kỳ học đường, Nếu bạn không đeo kính, không có triệu chứng về tầm nhìn và có nguy cơ thấp của việc phát triển các bệnh về mắt, vẫn Nên duy trì các buổi kiểm tra định kỳ, đặc biệt là những người trên 40 tuổi, những người có nguy cơ cao về bệnh mắt nhất định, chẳng hạn như bệnh tăng nhãn áp, tần số thăm khám nên được tăng lên. Đối với những người có tật viễn thị và phải sử dụng kính để điều chỉnh thì nên kiểm tra mắt hằng năm.